[Lý thuyết Toán Lớp 10] Mệnh đề
Hướng dẫn học bài: Mệnh đề - Môn Toán học Lớp 10 Lớp 10. Đây là sách giáo khoa nằm trong bộ sách 'Lý thuyết Toán Lớp 10 Lớp 10' được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết các bé sẽ nắm bài học tốt hơn.
1. Lý thuyết
+ Định nghĩa:
Mệnh đề logic (hay mệnh đề) là một khẳng định đúng hoặc sai.
Mệnh đề toán học là những mệnh đề liên quan đến toán học.
Một khẳng định đúng gọi là mệnh đề đúng.
Một khẳng định sai gọi là mệnh đề sai.
+ Nhận xét
Một mệnh đề phải đúng hoặc sai, không thể vừa đúng vừa sai.
Các câu nghi vấn, câu cầu khiến, câu cảm thán không là mệnh đề.
+ Ví dụ:
“Một tuần có 7 ngày” là một mệnh đề (đúng)
“Số 23 không là số nguyên tố” là mệnh đề (sai).
Có những khẳng định ta không biết chính xác tính đúng sai nhưng chỉ có hai kết quả là đúng hoặc sai thì vẫn là mệnh đề.
Chẳng hạn: “Tồn tại sự sống ngoài Trái Đất”.
+ Kí hiệu: Thường sử dụng các chữ cái in hoa P, Q, R, … để kí hiệu các mệnh đề.
2. Ví dụ minh họa
+ Mệnh đề:
Châu Á là châu lục có diện tích lớn nhất.
Sông Hương chảy ngang qua thành phố Huế
4 > 5 (Mệnh đề sai).
Phương trình \({x^2} - 1 = 0\) có hai nghiệm nguyên phân biệt. (Mệnh đề đúng)
+ Không là mệnh đề
Hôm nay trời đẹp quá!
Minh ơi, lấy giúp tớ cục tẩy.
Ai thế?
\(3x + 2 = 5\) (không phải là mệnh đề, nhưng là mệnh đề chứa biến)