[Lý thuyết Toán Lớp 10] Tập hợp. Cách mô tả tập hợp
Hướng dẫn học bài: Tập hợp. Cách mô tả tập hợp - Môn Toán học Lớp 10 Lớp 10. Đây là sách giáo khoa nằm trong bộ sách 'Lý thuyết Toán Lớp 10 Lớp 10' được biên soạn theo chương trình đổi mới của Bộ giáo dục. Hi vọng, với cách hướng dẫn cụ thể và giải chi tiết các bé sẽ nắm bài học tốt hơn.
1. Lý thuyết
+ Định nghĩa:
Tập hợp dùng để chỉ một nhóm đối tượng nào đó hoàn toàn xác định.
Mỗi đối tượng trong nhóm gọi là một phần tử của tập hợp đó.
+ Kí hiệu
Tập hợp thường được kí hiệu bằng các chữ cái in hoa A, B, C, …
Kí hiệu phần tử bằng các chữ cái in thường a, b, c, …
Số phần tử của tập hợp A là: \(n(A)\)
+ Cách xác định (mô tả) tập hợp:
Cách 1: Liệt kê các phần tử.
Cách 2: Chỉ ra tính chất đặc trưng.
+ Lưu ý khi liệt kê các phần tử của tập hợp:
Các phần tử có thể được viết theo thứ tự tùy ý
Mỗi phần tử chỉ được liệt kê một lần, ngăn cách nhau bởi dấu “;”
Nếu quy tắc xác định các phần tử đủ rõ thì dùng “…” mà không nhất thiết viết ra tất cả các phần tử của tập hợp đó.
+ Để chỉ a là một phần tử của tập hợp A, ta viết \(a \in A\).
+ Để chỉ a không là một phần tử của tập hợp A, ta viết \(a \notin A\).
Tập hợp không chứa phần tử nào gọi là tập rỗng, kí hiệu \(\emptyset \)
2. Ví dụ minh họa
Ví dụ về tập hợp
Các học sinh của lớp 10A tạo thành một tập hợp. Các học sinh nam của lớp này cũng tạo thành một tập hợp.
Các nghiệm của phương trình \({x^2} - 2x - 3 = 0\) tạo thành một tập hợp, gọi là tập nghiệm của phương trình \({x^2} - 2x - 3 = 0\). Tập hợp này có hai phần tử là -1 và 3.
Ví dụ về cách mô tả tập hợp
Xét tập hợp A các số tự nhiên lẻ nhỏ hơn 10.
Cách viết đúng:
Liệt kê các phần tử: \(A = \left\{ {1;3;5;7;9} \right\}\) hoặc \(A = \left\{ {1;9;5;3;7} \right\}\)
Chỉ ra tính chất đặc trưng:\(A = \{ n|n \in \mathbb{N},n\) lẻ và \(n < 10\} \)
Cách viết sai:
\(A = \left\{ {1,3,5,7,9} \right\}\) (sai vì các phần tử ngăn cách nhau bởi dấu “,”)
\(A = \left\{ {1;3;5;7;9;3} \right\}\) (sai vì phần tử 3 được liệt kê hai lần)